<div data-v-ee090d5c=""><span data-v-ee090d5c="">Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 11</span></div>
<p><strong>I. PHẦN ĐỌC HIỂU </strong>(3,0 điểm)</p>
<p>Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3:</p>
<p> Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.</p>
<p style="text-align: right;">(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)</p>
<p><strong>Câu 1: </strong>Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)</p>
<p><strong>Câu 2:</strong> Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” (1,0 điểm)</p>
<p><strong>Câu 3: </strong>Đoạn văn gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? (Viết một đoạn văn từ 8 đến 10 dòng). (1,5 điểm)</p>
<p> </p>
<p><strong>II. PHẦN LÀM VĂN</strong> (7,0 điểm)</p>
<p><strong>Câu 1:</strong> (2,0 điểm).</p>
<p>Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về mối quan hệ giữa tài và đức.</p>
<p><strong>Câu 2:</strong> (5,0 điểm).</p>
<p>Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh</p>
<p> </p>
<p><strong>Hướng dẫn trả lời:</strong></p>
<p><strong>I. PHẦN ĐỌC HIỂU</strong></p>
<p><strong>Câu 1:</strong> Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận</p>
<p><strong>Câu 2:</strong> Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ; Điệp từ; Liệt kê; Lặp cấu trúc; Nhân hóa.</p>
<p>- Tác dụng:</p>
<p>+ Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.</p>
<p>+ Tạo nhịp điệu sôi nổi, mạnh mẽ cho câu văn.</p>
<p>+ Thể hiện niềm tự hào của Hồ Chí Minh về truyền thống quý báu của dân tộc ta.</p>
<p><strong>Câu 3:</strong></p>
<p><strong>a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn</strong>. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.</p>
<p><strong>b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: </strong>Trách nhiệm của thế trẻ trong việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc.</p>
<p><strong>c. Triển khai vấn đề nghị luận:</strong> Có thể diễn đạt theo các cách khác nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Học sinh hướng vào những nội dung sau:</p>
<p>- Phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta.</p>
<p>- Cần học tập và rèn luyện để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.</p>
<p>- Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực xâm lăng.</p>
<p> </p>
<p><strong>II. LÀM VĂN</strong></p>
<p><strong>Câu 1:</strong> Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về mối quan hệ giữa tài và đức.</p>
<p><strong>* Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận:</strong> Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.</p>
<p><strong>* Xác định đúng vấn đề nghị luận: </strong>Trình bày được suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa tài và đức.</p>
<p><strong>* Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.</strong></p>
<p>Có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lẽ phải. Dưới đây chỉ là những định hướng cơ bản:</p>
<p>1.<span style="text-decoration: underline;"> Giải thích:</span></p>
<p>+ Tài: là nói trình độ, năng lực và khả năng sáng tạo của con người.</p>
<p>+ Đức: là nói tới phẩm chất và nhân cách của con người.</p>
<p>2. <span style="text-decoration: underline;">Bình luận:</span></p>
<p>+ Tài và đức là hai yếu tố quan trong trong việc hoàn thiện nhân cách của con người.</p>
<p>+ Nếu chỉ chú trọng đến tài mà không quan tâm đến đức sễ dẫn tới sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện của bản thân; thậm chí coi trọng tài mà không chú ý đến đức sẽ dẫn tới những suy nghĩ và hành động gây tác hại cho bản thân, cộng đồng và xã hội.</p>
<p>+ Nếu chỉ lo phấn đấu, tu dưỡng đức mà không quan tâm đến việc nâng cao trình độ, năng lực và khả năng sáng tạo của bản thân thì cùng không thể đóng góp nhiều cho cộng đồng và xã hội.</p>
<p> + Giải quyết mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa tài và đức sẽ giúp con người phát triển toàn diện và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội.</p>
<p>3. <span style="text-decoration: underline;">Bài học nhận thức và hành động</span></p>
<p>Phải biết trau dồi rèn luyện bản thân cả về trình độ, năng lực và phẩm chất</p>
<p>* Sáng tạo: Sáng tạo trong diễn đạt, trong cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề cần nghị luận</p>
<p>* Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu</p>
<p> </p>
<p><strong>Câu 2:</strong> Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.</p>
<p><strong>* Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:</strong> Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.</p>
<p>* <strong>Xác định đúng vấn đề nghị luận:</strong> Vẻ đẹp độc đáo về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.</p>
<p><strong>* Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.</strong></p>
<p>1. <span style="text-decoration: underline;">Mở bài</span></p>
<p>- Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh</p>
<p>- Giới thiệu chung về tác phẩm Chiều tối</p>
<p> 2. <span style="text-decoration: underline;">Thân bài</span> </p>
<p>a. Hai câu thơ đầu</p>
<p>Phiên âm:</p>
<p style="text-align: center;">Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,</p>
<p style="text-align: center;">Cô vân mạn mạn độ thiên không;</p>
<p>Dịch thơ:</p>
<p style="text-align: center;">Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ</p>
<p style="text-align: center;">Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;</p>
<p>- Không gian: núi rừng rộng lớn</p>
<p>→ Làm nổi bật sự lẻ loi, cô đơn của con người, cảnh vật</p>
<p>- Thời gian: Chiều tối – thời khắc cuối cùng của một ngày</p>
<p>→ Mỏi mệt, cần được nghỉ ngơi</p>
<p>- Điểm nhìn: Từ dưới lên cao</p>
<p>→ Phong thái ung dung, lạc quan của tác giả.</p>
<p>- Cảnh vật: Sự xuất hiện của hai hình ảnh mây và cánh chim. Hình ánh cánh chim và mây là hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ điển: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn” (Lý Bạch)</p>
<p>+ Chim mỏi: Biểu tượng cho buổi chiều tà → cảm nhận từ trạng thái bên trong của sự vật.</p>
<p>+ Chòm mây: Cô đơn, đang trôi chầm chậm giữa bầu trời bao la.</p>
<p>- So với bản phiên âm:</p>
<p>+ “Cô vân” dịch thành “chòm mây” → Dịch chưa sát, bản dịch làm mất đi tính chất cô độc, lẻ loi của áng mây trên bầu trời.</p>
<p>+ “mạn mạn” dịch thành “trôi nhẹ” → Chưa thấy được tư thế chậm chạp gợi vẻ uể oải, lững lờ không muốn trôi của áng mây.</p>
<p>* Nghệ thuật:</p>
<p>- Nghệ thuật lấy động tả tĩnh (chim bay, mây trôi) làm nổi bật vẻ tĩnh lặng của bầu trời lúc chiều muộn</p>
<p>- Bút pháp chấm phá tinh tế tạo ra câu thơ nhiều tầng nghĩa, mở ra nhiều kiểu liên tưởng trong tâm tư người đọc.</p>
<p>- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, cảnh vật thiên nhiên dường như cũng cùng tâm trạng với người tù. Phác hoạ cánh chim mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn giờ đang về rừng tìm chốn đậu, hình ảnh đó gợi ta nhớ tới một người tù bị cùm xích, bị giải suốt một ngày ròng rã đương khao khát chốn nghỉ ngơi yên bình. Thêm nữa, chi tiết "chòm mây" cô đơn giữa một không gian vắng vẻ… rất tương ứng với cảnh ngộ của chủ thể trữ tình chưa biết dừng lại, hay tới nhà lao nào. Cánh chim, chòm mây vừa là đối tượng của niềm thương cảm vừa là biểu hiện bên ngoài của nỗi buồn trong lòng người tù trên con đường đày ải.</p>
<p>→ Tiểu kết: Bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối thật đẹp và khoáng đãng mang đậm màu sắc cổ điển.</p>
<p> b. Hai câu thơ cuối</p>
<p>Phiên âm:</p>
<p>Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,</p>
<p>Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.</p>
<p>Dịch thơ:</p>
<p>Cô em xóm núi xay ngô tối,</p>
<p>Xay hết lò than đã rực hồng</p>
<p>- Hai câu thơ cuối có sự chuyển đổi của tứ thơ:</p>
<p>+ Điểm nhìn: từ cao chuyển về thấp</p>
<p>+ Thời gian: chiều muộn sang tối. </p>
<p>+ Không gian: rộng (núi rừng) sang hẹp (xóm núi).</p>
<p>+ Hình ảnh: thiên nhiên → con người lao động. </p>
<p>→ Hình ảnh con người lao động xay ngô với vẻ đẹp mộc mạc, khỏe khoắn trở thành trung tâm của bức tranh.</p>
<p>- Điệp vòng: “ma bao túc” – “bao túc ma”:</p>
<p>→ Diễn tả vòng quay của chiếc cối xay ngô, nhịp điệu lao động hăng say, vòng quay của thời gian, không gian.</p>
<p>- So với bản phiên âm:</p>
<p>+ Chữ “thiếu nữ” dịch thành “cô em” chưa thật phù hợp. </p>
<p>+ Dịch thừa chữ “tối” → làm mất sự kín đáo, hàm súc của ý thơ “ý tại ngôn ngoại”.</p>
<p>- Chữ “hồng” được xem là nhãn tự của bài thơ, nơi hội tụ ánh sáng, sự ấm áp và cả ý nghĩa toàn bài thơ:</p>
<p>+ “hồng” - của ánh lửa lò than hiện thực nơi cô gái đang xay ngô</p>
<p>+ “hồng” - màu hồng của ngọn lửa cách mạng luôn thôi thúc Bác không bỏ cuộc;</p>
<p>+ “hồng” - màu hồng của niềm tin tưởng, sự lạc quan luôn cháy trong tim Bác.</p>
<p>→ Chữ “hồng” rực sáng cả bài thơ vừa làm cho bức tranh chiều tối trở nên sáng hơn vừa sưởi ấm người tù thi sĩ trên con đường giải lao lạnh lẽo, cô đơn. Ánh sáng lò lửa nhỏ không chỉ sưởi ấm tâm hồn Bác lúc bị lưu đày, mà còn có tác dụng nhóm lên trong lòng người đọc niềm tin bền bỉ vào cuộc sống.</p>
<p>* Vẻ đẹp tâm hồn tác giả</p>
<p>+ Lạc quan, yêu đời</p>
<p>+ Yêu lao động</p>
<p>+ Ý chí, nghị lực phi thường;</p>
<p>+ Tình yêu thương nhân dân, nâng niu tất cả chỉ quên mình</p>
<p>→ Tiểu kết: Bằng thủ pháp điệp vòng, lấy sáng tả tối, tác giả cho ta thấy bức tranh lao động hiện ra thật gần gũi. Tác giả quên đi cảnh ngộ của mình để đồng cảm với nỗi vất vả, niềm vui nho nhỏ của người lao động.</p>
<p>3. <span style="text-decoration: underline;">Kết bài</span></p>
<p>- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.</p>