Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 11
<p><strong>I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)</strong></p>
<p>Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:</p>
<p style="text-align: center;">Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội</p>
<p style="text-align: center;">Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao</p>
<p style="text-align: center;">Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng</p>
<p style="text-align: center;">Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông.</p>
<p style="text-align: right;">(Trích Khát vọng – Phạm Minh Tuấn)</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 1:</span> Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 2:</span> Nêu chủ đề của đoạn trích trên.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 3:</span> Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 4:</span> Đoạn trích đem đến cho anh/chị cảm xúc gì?</p>
<p> </p>
<p><strong>II. LÀM VĂN (7,0 điểm)</strong></p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 1:</span> (2,0 điểm)</p>
<p> Bằng một đoạn văn (khoảng 100 chữ), anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống được nêu trong đoạn trích phần Đọc hiểu “sống để biết yêu nguồn cội”.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 2:</span> (5,0 điểm)</p>
<p>Cảm nhận của anh/chị về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.</p>
<p style="text-align: center;">Quanh năm buôn bán ở mom sông,</p>
<p style="text-align: center;">Nuôi đủ năm con với một chồng.</p>
<p style="text-align: center;">Lặn lội thân cò khi quãng vắng,</p>
<p style="text-align: center;">Eo sèo mặt nước buổi đò đông.</p>
<p style="text-align: center;">Một duyên hai nợ âu đành phận,</p>
<p style="text-align: center;">Năm nắng mười mưa dám quản công.</p>
<p style="text-align: center;">Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,</p>
<p style="text-align: center;">Có chồng hờ hững cũng như không</p>
<p style="text-align: right;">(Thương vợ, Tú Xương, SGK Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục, 2007,tr.29,30)</p>
<h3> </h3>
<h3><br />Lời giải chi tiết</h3>
<p><strong>I. ĐỌC HIỂU</strong></p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 1:</span></p>
<p>* Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.</p>
<p>* Cách giải: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 2:</span></p>
<p>* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.</p>
<p>* Cách giải: Chủ đề của đoạn trích trên: Khát vọng sống đẹp.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 3:</span></p>
<p>* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học.</p>
<p>* Cách giải: Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích:</p>
<p>+ Điệp cấu trúc “hãy sống như…”</p>
<p>+ Nghệ thuật so sánh</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 4:</span></p>
<p>* Phương pháp: Căn cứ vào nội dung văn bản</p>
<p>* Cách giải: Học sinh có thể trình bày cảm xúc của cá nhân khi đọc văn bản. </p>
<p> </p>
<p><strong>II. LÀM VĂN</strong></p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 1:</span></p>
<p>* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)</p>
<p>* Cách giải:</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Yêu cầu về hình thức:</span></p>
<p>- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.</p>
<p>- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.</p>
<p>- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Yêu cầu về nội dung:</span></p>
<p>* Nêu vấn đề</p>
<p>* Giải thích vấn đề</p>
<p>- Nguồn cội: nơi nảy sinh vạn vật.</p>
<p>- Sống để biết yêu nguồn cội nghĩa là sống để biết ý nghĩa của nơi mình sinh ra và được sinh ra.</p>
<p>* Phân tích, bàn luận vấn đề</p>
<p>- Tại sao sống để biết yêu nguồn cội?</p>
<p>+ Khi sống ta mới có thể cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc đời này</p>
<p>+ Khi sống cũng là khi ta tiếp nối cho sự phát triển của nguồn cội</p>
<p>- Phê phán những người sống một cách phung phí, vô tâm</p>
<p>* Liên hệ bản thân</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Câu 2:</span></p>
<p>* Phương pháp: </p>
<p>- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).</p>
<p>- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.</p>
<p>* Cách giải: </p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Yêu cầu hình thức:</span></p>
<p>- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.</p>
<p>- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.</p>
<p><span style="text-decoration: underline;">Yêu cầu nội dung:</span></p>
<p>1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm</p>
<p>- Trần Tế Xương là cây bút xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam. Ông là một nhà nho đi thi chỉ đỗ đến Tú tài, đời sống tương đối khó khăn. Cảnh nghèo là một đề tài dễ gặp trong thơ Tú Xương. Ông cũng thường xuyên làm thơ tự trào, tức là tự chế giễu, mỉa mai chính mình lầ vì nhận thấy bản thân là một kiểu “người thừa”.</p>
<p>- Thương vợ là bài thơ trữ tình, thể hiện tình cảm thương yêu, quý trọng vợ của Tú Xương.</p>
<p>2. Phân tích</p>
<p>a/ Hai câu đề: Giới thiệu về công việc và công lao của bà Tú.</p>
<p>Quanh năm buôn bán ở mom sông</p>
<p>Nuôi đủ năm con với một chồng</p>
<p>- Câu 1: chứa đựng 3 thông tin</p>
<p>+ Bà Tú làm nghề buôn bán (gạo)</p>
<p>+ “Quanh năm” chỉ vòng thời gian tuần hoàn, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, năm tiếp theo năm, dường như không có lúc nghỉ.</p>
<p>+ “Mom sông” chỉ địa điểm kiếm sống, là phần đất nhô ra phía lòng sông, chênh vênh, nguy hiểm.</p>
<p>→ Bà Tú hiện lên trong câu thơ với biết bao khó nhọc, gian truân. Vòng quay vô kì hạn của thời gian đã cuốn bà vào cuộc mưu sinh đầy vất vả.</p>
<p>- Câu 2: Vai trò trụ cột gia đình của bà Tú.</p>
<p>+ “nuôi đủ” tức là đủ về số lượng 6 miệng ăn, chưa kể chính bà; là đủ về thành phần – chồng và con; là đủ ăn, đủ mặc, đủ cả cho những thú vui của ông Tú.</p>
<p>+ “năm con với một chồng: cách đếm con đếm chồng rất đặc biệt. Tú Xương tách mình riêng ra, đặt mình sau con nghĩa là tự thấy hổ thẹn về cái vô tích sự của mình, ông tự thấy mình cũng là thứ con đặc biệt của bà Tú, mà một ông còn nặng gánh hơn cả năm đứa con thơ dại. Câu thơ thấp thoáng một nụ cười của ông chồng “dài lưng tốn vải” - nụ cười méo mó, đáng thương.</p>
<p>→ Tóm lại: 2 câu đề đã khắc họa thành công chân dung bà Tú – người vợ đảm đang, tháo vát, phải chịu nhiều vất vả, gian truân.</p>
<p>b/ Hai câu thực: Tô đậm hơn những khổ cực của bà Tú trong cuộc mưu sinh</p>
<p>Lặn lội thân cò khi quãng vắng</p>
<p>Eo sèo mặt nước buổi đò đông</p>
<p>- Phép đảo ngữ: đẩy “lặn lội”, “eo sèo” lên đầu câu, tô đậm nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà Tú trong cuộc mưu sinh.</p>
<p>- Hình ảnh bà Tú được miêu tả qua phép ẩn dụ “thân cò” đầy ám ảnh, gợi dáng dấp nhỏ bé, chịu đựng, bơ vơ, côi cút đến tội nghiệp.</p>
<p>- “Khi quãng vắng”, “buổi đò đông”: bối cảnh làm việc đầy nguy hiểm bởi không người chở che, lại phải chen lấn, xô đẩy, bon chen nhọc nhằn.</p>
<p>→ Tóm lại: Câu 3,4, với hình ảnh ẩn dụ “thân cò”, phép đảo ngữ, từ tạo hình “lặn lội”, từ tượng thanh “eo sèo” đã khắc sâu hơn nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của bà Tú. Đằng sau đó, ta còn thấy tiếng uất nghẹn của một người chồng nhìn thấy nỗi cơ cực của vợ mà không thể đỡ đần. Và hơn cả là nỗi niềm thương xót, cảm phục và biết ơn vợ sâu sắc của Tú Xương.</p>
<p>c/ Hai câu luận:</p>
<p>Một duyên hai nợ âu đành phận</p>
<p>Năm nắng mười mưa dám quản công </p>
<p>- “Duyên”: quan hệ vợ chồng do trời định sẵn. “Nợ” là gánh nặng phải chịu, vợ chồng lấy nhau tốt đẹp là “duyên”, ngang trái là “nợ”.</p>
<p>- Thành ngữ và cách nói tăng cấp “một duyên hai nợ” “năm nắng mười mưa” đã khắc họa cuộc đời cơ cực, tủi nhục của bà Tú. Bà với ông Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Ông Tú tự thấy mình là một gánh nợ trong suốt cuộc đời người vợ. Nhưng người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hi sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Bà Tú coi đó như một lẽ thường tình, nào có kể công.</p>
<p>- Cách nói cam chịu “âu đành phận” “dám quản công” là ông Tú ngao ngán về chính mình, xót xa cho thân phận bà Tú mà thốt lên, mà kể công thay cho bà vậy! Câu thơ như nén một tiếng thở dài não nề của chính người chồng.</p>
<p>3. Tổng kết</p>
<p>- Những câu đầu khắc họa hình ảnh bà Tú trong vất vả gian truân vẫn ngời lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Một người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh, hết lòng yêu thương chồng con. Hình ảnh bà Tú vì thế vừa đáng thương lại vừa đáng trọng.</p>