<h3 data-v-5af8f31c=""><span data-v-5af8f31c="">5. Ta đi tới<br /></span></h3>
<p><strong>Câu 1</strong></p>
<p><strong>Câu 1 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Đọc trích đoạn bài thơ, em hình dung như thế nào về bối cảnh lịch sử (không gian, thời gian, những sự kiện quan trọng,…) đã gợi nguồn cảm hứng thơ ca cho tác giả?</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Đọc kỹ trích đoạn để hình dung về bối cảnh.</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>Bối cảnh của bài thơ: </p>
<p>- Không gian: rộng lớn, trải dài từ các tỉnh, vùng miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên… đến vùng trung du với “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”; từ Thủ đô Hà Nội cho đến khu Ba, khu Bốn; từ các tỉnh vùng Tây Nguyên: Công Tum, Đắc Lắc đến Thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng” và các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang…)</p>
<p>- Thời gian: từ mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945, kéo dài suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đến kết thúc thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. </p>
<p>=> Bài thơ ca ngợi chiến thắng, vừa gợi suy nghĩ về đoạn đường sắp tới. Bài thơ chứa đựng những cảm xúc thời đại, và có tính biểu tượng cao.</p>
<p><strong>Câu 2</strong></p>
<p><strong>Câu 2 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Nhìn lại chặng đường cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ”, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc gì? Theo em, đây chỉ là cảm xúc của cá nhân nhà thơ hay còn là cảm xúc chung của cộng đồng? Vì sao?</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Đọc toàn bộ bài thơ để xác định cảm xúc của tác giả.</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>Nhìn lại chặng đường cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ”, nhà thơ đã bộc lộ niềm xúc động, tự hào trước sức mạnh của dân tộc ta, tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta. Chính sức mạnh đó, tinh thần đó đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.</p>
<p>Đây chính là cảm xúc chung của cộng đồng bởi thời ấy, cách mạng chính là mục tiêu chung của dân tộc Việt Nam. Cái “tôi” của tác giả cất tiếng nói đại diện cho nhiều cái “tôi” khác, cũng có nghĩa cái “tôi” đã hòa vào cái “ta”. Cảm xúc cá nhân của tác giả đã hòa vào cảm xúc chung của cả cộng đồng.</p>
<p><strong>Câu 3</strong></p>
<p><strong>Câu 3 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Xác định hình ảnh trung tâm của đoạn trích. Hình ảnh đó có mối liên hệ với những hình ảnh nào khác trong đoạn trích?</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Đọc toàn bộ bài để xác định hình ảnh trung tâm của đoạn trích.</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>- Tố Hữu đã xây dựng nên hình ảnh “con đường” – một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trong bài thơ: “Trên <strong>đường cái</strong>, ung dung ta bước/ <strong>Đường </strong>ta rộng thênh tháng tám thước/ <strong>Đường</strong> Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/ <strong>Đường</strong> qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên/ <strong>Đường</strong> cách mạng, dài theo kháng chiến/ Đến hôm nay <strong>đường</strong> xuôi về biển/ Mới tinh khôi <strong>màu đất</strong> đỏ tươi…”.</p>
<p>- “Con đường” được nói đến không chỉ là con đường giao thông nối liền các vùng miền, mà còn là con đường cách mạng, con đường cả dân tộc đang vững bước đi lên.</p>
<p>=> Hình ảnh con đường có mối quan hệ chặt chẽ với các hình ảnh khác trong đoạn trích, đặc biệt là với hình ảnh đôi bàn chân. Điều này không chỉ phù hợp với nhan đề, mà còn làm nổi bật tinh thần sôi nổi, khí thế mạnh mẽ, vững vàng của cả dân tộc.</p>
<p><strong>Câu 4</strong></p>
<p><strong>Câu 4 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Những địa danh nào được nhắc đến trong đoạn trích? Theo em, việc xuất hiện một loạt địa danh như vậy mang lại hiệu quả gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Đọc kĩ văn bản</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>- Những địa danh được nhắc trong đoạn trích: Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên, sông Lô, Bình Ca, Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, khu Ba, khu Bốn, sông Thao, Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nam - Ngãi, Bình - Phú, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Kon Tum, Đắc Lắc, khu Năm, sông Hương, bến Hải, cửa Tùng. </p>
<p>- Việc xuất hiện một loạt địa danh như vậy có tác dụng biểu thị lòng yêu mến, tự hào của tác giả về sự giàu đẹp của mọi miền đất nước, về sức mạnh của nhân dân và niềm tin vào tương lai rạng rỡ của dân tộc.</p>
<p><strong>Câu 5</strong></p>
<p><strong>Câu 5 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Trong đoạn trích, tác giả sử dụng lặp đi lặp lại cấu trúc: “Ai…”, “Đường…”. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật tu từ ấy.</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Dựa vào kiến thức biện pháp tu từ để trả lời.</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>Biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc "Ai...", "Đường..." đã nhấn mạnh những khó khăn, vất vả của người lính khi hành quân. Đồng thời nhấn mạnh niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan cách mạng, khí thế tiến bước đi lên của cả dân tộc. Từ “Ai” là đại từ phiếm chỉ, nó không chỉ riêng một người cụ thể nào mà có ý nghĩa khái quát, đại diện cho tất cả mọi người, cho cả cộng đồng, cả dân tộc Việt Nam.</p>
<p><strong>Câu 6</strong></p>
<p><strong>Câu 6 (trang 28, SGK Ngữ văn 8, tập 1)</strong></p>
<p>Nhận xét về cách đặt nhan đề của bài thơ.</p>
<p><strong>Phương pháp giải:</strong></p>
<p>Dựa vào chủ đề và ý nghĩa của bài thơ để trả lời.</p>
<p><strong>Lời giải chi tiết:</strong></p>
<p>Ta đi tới là nhan đề được tác giả Tố Hữu đặt mang ý nghĩa vừa ngợi ca chiến thắng, vừa gợi suy nghĩ về đoạn đường sắp tới mà nhân dân đang đi tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. </p>
<p> </p>