Chi tiết câu hỏi

Lớp 10 • Ngữ Văn
Hỏi nhanh
Gia sư đã trả lời
thời gian20:54, 18/04/2023
phân tích bài thơ tình người lính biển (2 khổ cuối) của Trần Đăng Khoa

Trả lời

Trịnh Thị Thái Linh

21:03, 18/04/2023

Em tham khảo phần hướng dẫn dưới đây nhé! Chúc em luôn học tốt!
Thơ viết về đề tài chiến tranh, có những bài thật xúc động neo giữ bền chặt trong lòng bao thế hệ. Đó là những cuộc chia tay của người đi bảo vệ Tổ quốc và người yêu ở lại. Tiêu biểu như “Chia tay trong đêm Hà Nội” của Nguyễn ĐìnhThi, “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn…
Theo dòng cảm xúc đó, Trần Đăng Khoa có bài “Thơ tình người lính biển”. Đây cũng là cuộc chia tay đầy lưu luyến, đầy lãng mạng và cũng rất đỗi tự hào của người lính hải quân đi làm nhiệm vụ giữ biên hải thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó 2 khổ thơ cuối để lại ấn tượng sâu sắc với em về gian nan muôn trùng của người lính biển và tình cảm của người lính dành cho "em", dành cho tình yêu của mình.
Xưa nay khi nói về biển, người ta thường nghĩ tới những hiểm họa. Nào kẻ thù đang rình rập xâm lấn, nào thiên tai, nhân tai, nào những bất trắc khôn lường… Vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, đã có không ít chàng trai Việt ra đi không trở về, thi thể họ vùi chôn nơi đáy biển nghìn thu. Và biết bao ngôi mộ gió khắc khoải ru hồn: “ Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Nhưng không vì thế làm cho người thanh niên Việt Nam chùn bước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, họ sẵn sàng đi đến nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách hiên ngang: “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng”. Tác giả thật tài hoa khi dùng dấu chấm để ngắt nhịp câu thơ, tạo thành ba cụm câu, đã đem lại hiệu quả biểu cảm thật cao, tạo cho người đọc sự liên tưởng đến những vất vả, gian lao của người lính biển, nhưng cũng thật tự hào. Hình ảnh “Anh đứng gác.”đã hóa thân thành cột mốc kiên định chủ quyền lãnh hải, là biểu tượng của lòng yêu nước và sự kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Từ thuở cha ông bằng thuyền nan dong buồm đi cắm mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Các thế hệ của dân tộc ta luôn nối tiếp nhau vượt qua bao gian nan thử thách để giữ vững chủ quyền của dân tộc. Các anh luôn trung thành, luôn thủy chung với tình yêu đất nước, với tình yêu lứa đôi dẫu bao giả định, bao bất trắc có thể xảy ra. Đó là tình yêu vĩnh hằng thiêng liêng của người lính biển: “Vòm trời kia có thể sẽ không em/Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ/Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/Biển một bên và em một bên…”
Bài thơ thật bình dị, thật gần gũi. Cái bình dị, gần gũi được gói gọn trong tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và tình yêu lứa đôi thủy chung của người lính biển. Câu thơ: “Biển một bên và em một bên…” được lặp lại như một điệp khúc trong năm khổ thơ của bài thơ và đến 2 khổ cuối cũng vậy. Nhịp điệu bài thơ khoan thai, dìu dặt tựa như những con sóng vỗ chao mạng thuyền. Nhưng được người lính lắng lại. Rồi tĩnh tâm để cân bằng hai đối trọng. Ta cùng thả hồn cùng tác giả, thì giai điệu câu thơ lại nghiêng về “Biển”. Thật vậy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nhận ra điều này. Ông đã đưa giai điệu “Biển một bên” tha thiết vút cao và “Em một bên” dịu xuống rồi ngân dài. Nhưng giai điệu câu thơ không vì thế mà mất cân bằng. Luôn tạo ra đối trọng tương hỗ nhau để con thuyền băng băng ra biển lớn. Phải chăng, giai điệu ấy đã thôi thúc người lính biển bao giờ cũng đặt tình yêu Tổ quốc trên hết. Câu thơ thật lãng mạng cũng thật trí tuệ. Biển, đấy là Tổ quốc. Em, đấy là tình yêu lứa đôi. Đại diện cho cái rộng lớn và cái nhỏ bé. Cái chung và cái riêng cùng vun đắp cho khát vọng niềm tin của người lính biển. Nhà thơ Tế Hanh trong bài tứ tuyệt “Sóng” cũng viết: “Biển một bên, em một bên”. Theo tôi, Tế Hanh chỉ dừng lại ở một vế nói lên tình yêu lứa đôi mặc dù vẫn có hình ảnh em và biển. Còn Trần Đăng Khoa thay dấu phẩy bằng liên từ “và” vừa tách bạch vừa liên thông giữa hai nhân vật biển và em đại diện cho hai tình yêu Tổ quốc và riêng tư luôn tương quan chia sẻ tạo ra sức mạnh và niềm tin của người lính trẻ. Tình cảm đó đã tạo thành câu thơ điệp lại trong 2 khổ thơ dệt nên điểm nhấn cho bài thơ thật hay.
“Thơ tình người lính biển” là bài thơ với những hình ảnh ấn tượng. Vừa sâu lắng, vừa mãnh liệt cùng với âm điệu lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm. Tất cả cùng hòa điệu trong âm hưởng “Biển một bên và em một bên…” tạo ra sự lan tỏa sâu rộng về tình yêu Tổ quốc quyện hòa cùng tình yêu lứa đôi lay thức trách nhiệm công dân trong lòng bao thế hệ.

Bạn muốn hỏi điều gì?

question icon ĐẶT CÂU HỎI

500.000+

Lượt tải

10.000+

Câu hỏi được giải mỗi ngày

5.000+

Gia sư giải đáp

Ghé thăm ứng dụng của chúng tôi

CoLearn - Nền tảng học tập kết nối

intro-cut