Chi tiết câu hỏi

Lớp 8 • Ngữ Văn
Hỏi nhanh
Gia sư đã trả lời
thời gian13:32, 22/03/2023
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em Bến Tre

Trả lời

Gia sư Hải Yến

13:36, 22/03/2023

Em tham khảo nhé. 


Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xưa kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, nhưng sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng các ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt. Chính vì thế, những cư dân mới đến vùng đất này đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó nhà cổ hơn 100 tuổi Huỳnh Phủ tại xã Đại Điền, huyện Thạch Phú là một minh chứng cụ thể.
Theo lời truyền miệng từ đời trước, ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843 – 1927) – người cho xây dựng căn nhà này là người miền Trung vào miền Nam lập nghiệp. Trải qua biết bao biến đổi thời cuộc, ngôi nhà vẫn sừng sững như một bằng chứng cho thấy sự hưng thịnh tột bậc của chủ nhân nó lúc sinh thời. Đây là kiến trúc cổ thuộc dạng hiếm hoi của khu vực mà bất cứ ai đặt chân đến cũng xuýt xoa bởi lối kiến trúc hết sức lạ lẫm, đồ sộ nhưng không mất đi vẻ uy nghiêm.
Cửa chính phía trước vẫn còn giữ nguyên tấm biển Huỳnh Phủ bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng. Huỳnh phủ hay còn gọi là Hương Liêm- một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo, mang nét đặc trưng của người dân vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Ngôi nhà nằm trên khoảnh đất rộng 500m2,(rộng khoảng 17m, dài 25m, cao 5,70m) chung quanh vườn cây trái bốn mùa. Nhà được cất theo kiểu nhà xuyên trính, ba gian hai chái, một kiểu nhà rất thịnh ở Nam bộ vào những thế kỷ trước.
Nền nhà cao 0,7m, xung quanh kè đá xanh, bên trong lát gạch tàu xen với gạch bông. Sườn nhà bằng gỗ lim và thau lau, mái lợp ngói âm dương, mặt trong ngói có hình hoa văn màu xanh rất đẹp. Sau những lần trùng tu, số ngói này hiện còn sót lại trên mái không nhiều. Nội thất trong ngôi nhà gần như được bảo tồn nguyên vẹn, trong những gian nhà thờ, những bức hoành phi, câu đối, chuyện xưa tích cũ được sơn son thếp vàng, liễn áp cột cẩn ốc xà cừ trông rất lộng lẫy, ngoài nội dung trang trí còn mang ý nghĩa cầu mong đa phúc, đa lộc, an khang, thịnh vượng cho gia chủ.
Nhìn vào phong cách trang trí cho thấy chủ nhân ngôi nhà rất tôn kính những người đã khuất. Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề… đều viết bằng chữ Hán, khắc vào gỗ, chạm trổ hoa văn công phu, có tuổi đời tương đương với tuổi thọ ngôi nhà. Các tấm chạm đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là những bức tranh sinh động mô tả cảnh vật thiên nhiên vùng sông nước, của vùng đất cù lao bốn mùa cây xanh, trái ngọt, cảnh vật thanh bình, chim muôn ca hát, cùng các loại sinh vật khác…
Mặt chính ngôi nhà quay về hướng Đông, bốn phía ngôi nhà có 9 cửa đi vào, Nhà có 80 cột, trong đó có 48 cột bằng gỗ lim. Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhất của mặt hậu trở vào sử dụng sinh hoạt gia đình, từ cột nhất của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Phần phía sau và hai gian phụ nơi đầu dùng làm nơi sinh hoạt gia đình và tiếp khách.
Những hình rồng uốn lượn được chạm trổ cách điệu từ thân kèo cho đến tận đuôi kèo, hình đầu rồng đỡ lấy mái nhà. Còn ở hầu hết các khung cửa, vách ngăn đều được chạm khắc hoa văn, đều này khó tìm thấy ở những ngôi nhà cổ khác trên cả nước. Hiện nhà cổ Huỳnh Phủ là một trong những điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi bật của tỉnh Bến Tre giúp du khách hiểu hơn về những nét đẹp của một thời vang bóng.
Ngôi nhà cổ 100 tuổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi kiến trúc đẹp thuộc dạng hiếm hoi. Và đây là một địa chỉ để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cùng nét tác tạo tài hoa của những người thợ trứ danh vào thế kỷ 19.

Bạn muốn hỏi điều gì?

question icon ĐẶT CÂU HỎI

500.000+

Lượt tải

10.000+

Câu hỏi được giải mỗi ngày

5.000+

Gia sư giải đáp

Ghé thăm ứng dụng của chúng tôi

CoLearn - Nền tảng học tập kết nối

intro-cut