Blog Chia sẻ kiến thức Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm văn học

Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm văn học

13:43 10/10/2023

Nghệ thuật kể chuyện là phương thức tuyền tải thông điệp và kết nối con người qua những câu chuyện đầy cảm xúc. Với kĩ thuật kể chuyện sâu sắc, nhà văn đã khơi dậy sự tưởng tượng và kích thích tinh thần sáng tạo của người đọc. Cùng CoLearn tìm hiểu về nghệ thuật kể chuyện và vai trò của nó trong văn học và đời sống.

1. Định nghĩa "Nghệ thuật kể chuyện"

"Nghệ thuật kể chuyện" là gì?

Nghệ thuật kể chuyện trong văn học là một phương pháp biểu đạt sáng tạo giúp truyền tải thông điệp và kết nối con người qua bằng việc sử dụng từ ngữ và kĩ năng phân tích tình huống để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và có tính thuyết phục. Phương pháp này có thể được sử dụng trong nhiều thể loại văn học, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện tranh, phim, v.v. Với kĩ thuật kể chuyện sâu sắc, các nhà văn không chỉ khơi dậy sự tưởng tượng và kích thích tinh thần sáng tạo của người đọc mà còn góp phần thắt chặt mối liên kết và sự thông cảm giữa mọi người.

2. Các yếu tố trong "Nghệ thuật kể chuyện"

Nghệ thuật kể chuyện là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện.

2.1. Cấu trúc câu chuyện

Đa số câu chuyện tuân theo mô hình gồm 3 phần: phần giới thiệu (nơi câu chuyện bắt đầu), nút thắt (nơi xung đột phát triển) và kết quả (phần giải quyết xung đột) giúp câu chuyện có sự tiến triển và dễ dàng theo dõi. Các câu chuyện được cấu trúc thành ba phần riêng biệt, nhưng không nhất thiết phải luôn giữ theo thứ tự.

2.1.1. Phần giới thiệu (Mở đầu)

Phần mở đầu của một câu chuyện thường giới thiệu cho người đọc về bối cảnh và những nhân vật chính. Đây là nơi chúng ta có cái nhìn đầu tiên về đời sống, hoàn cảnh mà câu chuyện diễn ra. Ở đây, người kể chuyện xác định vị trí của mình trong dòng chảy thời gian: có thể là sự kiện đã qua, đang diễn ra hay sắp tới cũng như hoàn cảnh của câu chuyện và tốc độ diễn ra. 

Sau đó, tác giả sẽ lồng ghép thêm các tình huống truyện và đưa câu chuyện chuyển mình vào giai đoạn chính - nút thắt.

2.1.2. Phần thân (Nút thắt)

Phân thân của tác phẩm văn học hay còn gọi là Cao trào cả câu chuyện. Đây là nơi mà tất cả xung đột, căng thẳng và diễn biến chính được được phát triển và đẩy đến đỉnh điểm. Tại phần này, nhà văn thể hiện được khả năng xây dựng tình huống truyện của mình để giữ chân, thu hút người đọc tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về diễn biến. Các sự kiện và hành động được trình bày một cách logic, khéo léo theo trình tự thời gian, diễn biến cảm xúc, tâm lý nhân vật. 

Điểm nổi bật ở nút thắt không chỉ là việc tiết lộ thêm về nhân vật, mà còn ở việc chứng minh sự phát triển của họ, khả năng đối mặt và giải quyết vấn đề. Đây là giai đoạn mà chúng ta thấy rõ bản chất thực sự của nhân vật và cách họ tương tác với tình huống, đời sống thường ngày.

Xem thêm: Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống của truyện ngắn "cái chết của con Mực" của nhà văn Kim Lân

2.1.3. Phần kết (Giải quyết xung đột)

Ở giai đoạn cuối của câu chuyện, mọi xung đột và tình huống phức tạp đều được giải quyết, đưa câu chuyện về một kết thúc khép kín hoặc mở. Nếu như kết thúc khép kín cung cấp một kết luận rõ ràng, giải thích những băn khoăn và câu hỏi mà người đọc thắc mắc thì cái kết mở sẽ tiếp tục mở ra một không gian tưởng tượng cho người đọc suy ngẫm về diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Mỗi tác phẩm đều sẽ mang đến những câu chuyện chứa thông điệp, ý nghĩa nhân văn mà tác giả muốn truyền đạt hoặc là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được để gửi gắm qua từng con chữ.

Cuối cùng, một tác phẩm hay không chỉ là một câu chuyện có kết thúc thỏa đáng mà còn là cách chúng ta tìm hiểu và suy ngẫm về bản thân mình, thế giới xung quanh và những giá trị nhân văn từ tác phẩm. Những người có kỹ năng đọc hiểu tốt thường có khả năng liên hệ câu chuyện với cuộc sống thực tế, những kiến thức trước đó hoặc với những trải nghiệm cá nhân của mình. Nghệ thuật kể chuyện giúp tạo ra những điểm liên kết giữa thế giới trong câu chuyện và thế giới thực của người đọc.

Xem thêm: Kỹ năng làm dạng bài đọc hiểu 

2.2. Xây dựng nhân vật

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của một câu chuyện là khả năng tạo ra những nhân vật và diễn biến phát triển tâm lý của nhân vật. Mỗi nhân vật mang đến một góc nhìn, một lối sống, và một bộ giá trị riêng, và sự tương tác giữa họ thường là nguồn của những xung đột, tình huống và cảm xúc trong câu chuyện. Họ là nguồn sống của câu chuyện, và những mục tiêu, khao khát, và nỗi lo sợ của họ thường định hình nên bối cảnh và động lực của toàn bộ câu chuyện.

Khi nhân vật trong câu chuyện được miêu tả một cách chi tiết và sâu sắc, người đọc dễ dàng tạo ra một mối quan hệ với họ. Họ có thể thấy chính mình trong những cảm xúc, tình huống và quyết định của nhân vật, và điều này giúp tăng cường sự liên kết giữa người đọc và câu chuyện.

2.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ không chỉ giúp làm cho văn bản trở nên hấp dẫn mà còn dẫn dắt các cung bậc cảm xúc của người đọc trong suốt câu chuyện. 

Sự lựa chọn từ vựng và cách diễn đạt có thể gợi lên một loạt các cảm xúc của nhân vậy từ hạnh phúc, buồn bã, căng thẳng đến sự yên bình. Ngôn từ giúp tác giả truyền đạt tình cảm và trạng thái tâm lý của nhân vật, cũng như tạo ra những hình ảnh sống động và ý nghĩa trong tâm trí của người đọc, giúp họ "nhìn thấy" và "cảm nhận" câu chuyện thay vì chỉ đơn thuần đọc nó, từ đó giúp người đọc hiểu rõ về tính cách, hình ảnh của các nhân vật trong câu chuyện. 

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ là một công cụ mạnh mẽ mà các nhà văn sử dụng để tạo ra trải nghiệm đọc mê hoặc và không thể quên. Điều này không chỉ giúp câu chuyện trở nên sống động và thực sự, mà còn giúp tăng cường sự liên kết giữa người đọc và văn bản.

3. Vai trò của "Nghệ thuật kể chuyện" trong văn học và thực tế

Nghệ thuật kể chuyện được coi như linh hồn của tác phẩm đưa ra những chuyển biến câu chuyện theo một cách hấp dẫn nhất nhằm mang tới những giá trị, bài học nhân văn cho mọi thế hệ.

3.1. Nghệ thuật kể chuyện phản chiếu văn hóa và lịch sử

Nghệ thuật kể chuyện mô tả sống động và chân thực hiện thực cuộc sống tại một thời điểm có thể là quá khứ hoặc hiện tại tùy thuộc vào câu chuyện của tác giả. Qua nghệ thuật kể chuyện, văn học trở thành bức tranh phản ánh văn hóa, giá trị và lịch sử của một xã hội, giúp con người hiểu biết và kết nối với quá khứ của mình.

Ví dụ: Bức tranh đời sống thế kỷ 20 trong tác phẩm Một bữa no của Nam Cao

3.2. Nghệ thuật kể chuyện bồi dưỡng trí tưởng tượng và tâm hồn

Một câu chuyện kể đúng cách có khả năng chạm đến những cảm xúc sâu thẳm của người đọc, khắc sâu trong tâm trí họ. Qua những tình huống trong tác phẩm, người đọc được đưa vào một thế giới khác, nơi mà họ có thể trải nghiệm, cảm nhận và tương tác với môi trường, sự kiện và nhân vật một cách tư duy. Những nút thắt trong câu chuyện đã thách thức trí tưởng tượng của người đọc, khiến họ tự hình dung ra các khả năng và lựa chọn khác nhau. Từ đó, mở ra những không gian tưởng tượng đầy mê hoặc, nơi người đọc có thể mê mải lạc lõng trong những tình tiết phong phú và cuộc sống độc đáo của nhân vật.

Ngoài ra, nghệ thuật kể chuyện còn là cầu nối giữa thế giới thực và thế giới tinh thần. Qua các câu chuyện, con người có thể thấu hiểu được những giá trị nhân văn, bài học về tình yêu, lòng dũng cảm, sự hy sinh và những khao khát sâu sắc của con người. Những cảm xúc, suy tư và nhận định được thể hiện qua từng trang sách giúp bồi dưỡng tâm hồn, mở rộng tầm nhìn và sâu lắng hơn trong cách cảm nhận cuộc sống.

Như vậy, nghệ thuật kể chuyện không chỉ tăng cường sự liên kết giữa người đọc với câu chuyện, tác giả mà còn nuôi dưỡng tâm hồn của người đọc. 

 

Chia sẻ