Chi tiết câu hỏi

Lớp 12 • Ngữ Văn
Hỏi nhanh
Gia sư đã trả lời
thời gian10:47, 22/05/2023
Cho em xin mẫu phân tích đề này à

Trả lời

Gia sư Trần Thục Hiền

11:04, 22/05/2023

Em tham khảo nhé, chúc em học tốt. Gia sư hướng dẫn em chi tiết MB, KB và dàn ý chi tiết của TB, từ đó em triển khai thành bài văn hoàn chỉnh nhé.
I. MB:
Nguyễn Tuân là một tác giả có phong cách nghệ thuật độc đáo, cái tôi đầy cá tính, một nhà văn tài hoa uyên bác, luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa thẩm mĩ. NGười lái đò sông Đà là tùy bút tiêu biểu cho những sáng tác sau cách mạng của ông với nội dung ca ngợi vẻ đẹp của con người Tây Bắc, đặc biệt ở đây là ông lái đò. Trong hai đoạn trích "Cưỡi lên...trấn lấy" và đoạn "Đêm ấy...lúc ngừng chèo", người lái đò hiện lên với hai hình tượng khác biệt: một anh dũng kiên cường, một nhẹ nhàng khiêm tốn. Để rồi từ đó, Nguyễn Tuân đã để lại những cách nhìn nhận độc đáo về người lao động.
II. TB
1. Cảnh chiến đấu với sông Đà hung bạo dữ tợn
- Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ ở hình ảnh ông lái đò:
+ Ông lái đò được đặt trong tình huống thử thách đặc biệt: chiến đấu với thác dữ sông Đà, vượt qua ba trùng vi thạch trận bằng tài nghệ "tay lái ra hoa".
+ Rất nghệ sĩ trong hình ảnh "nắm chắc lấy cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh..."; với lũ đá nơi ải nước, "đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến", con thuyền trong sự điều khiển của ông lái: "như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được.".
+ Việc đưa con thuyền tìm đúng luồng nước, vượt qua bao cạm bẫy của thạch trận sông Đà quả thực là một nghệ thuật cao cường từ một tay lái điêu luyện.
+ Trong cuộc vượt thác lần ba:  Bị thua ông đò ở hai lần giao tranh trước, trong trùng vi thứ ba, dòng thác càng trở nên điên cuồng, dữ dội. Chính giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người đọc càng thấy tài nghệ chèo đò vượt thác của ông lái thật tuyệt vời. Ông cứ “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá”, “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”… để rồi chiến thắng vinh quang. Câu văn “thế là hết thác” như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.
- Vẻ đẹp trí dũng ở hình ảnh ông lái đò:
+ Đối mặt với thác dữ sông Đà, ông đò có một lòng dũng cảm vô song: "Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cũng như là cưỡi hổ" ...
+ Ông lái đò khôn ngoan vượt qua mọi cạm bẫy của thác ghềnh, đưa con thuyền vượt thác an toàn khi "những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền", còn lũ đá thì "thất vọng thua cái thuyền"... Cuộc đọ sức giữa con người với thiên nhiên thật ghê gớm, căng thẳng, đầy sáng tạo và con người đã chiến thắng.
+ Vẻ đẹp người lái đò Sông Đà là vẻ đẹp của người anh hùng lao động trong công cuộc dựng xây cuộc sống mới của đất nước.
2. Hình ảnh người lái đò sau khi chiến đấu
- Quy luật ở trên con sông Đà là thứ quy luật khắc nghiệt. Một chút thiếu bình tĩnh, thiếu chính xác, hay lỡ tay, quá đà đều phải trả giá bằng mạng sống. Mà ngay ở những khúc sông không có thác lại dễ dại tay dại chân mà buồn ngủ. Chung quy lại, nơi nào cũng hiểm nguy. Ông lão lái đò vừa thuộc dòng sông, thuộc quy luật của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, vừa nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Vì thế, vào trận mạc, ông thật khôn khéo, bình tĩnh như vị chỉ huy cầm quân tài ba. Mọi giác quan của ông lão đều hoạt động trong sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác. Xong trận, lúc nào cũng ung dung, thanh thản như chưa từng vượt thác: sóng thác xèo xèo tan ra trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang ca mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Như những nghệ sĩ chân chính, sau khi vắt kiệt sức mình để thai nghén nên tác phẩm không mấy ai tự tán dương về công sức của mình. Nhà văn Nguyễn Tuân đưa ra một lời nhận xét: “Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy sự sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp, đáng nhớ… Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo. Phải chăng người lái đò anh hùng có lẽ dễ thấy, nhưng nhìn người lái đò tài hoa, chỉ có Nguyễn Tuân”.
- Người lái đò trong tác phẩm là một người lao động vô danh, lao động âm thầm, giản dị, nhờ lao động mà chinh phục được dòng sông dữ, trở nên lớn lao, kì vĩ, trở thành đại diện của CON NGƯỜI. Người lao động nhờ ý chí kiên cường, bền bỉ, quyết tâm mà chiến thắng sức mạnh thần thánh của thiên nhiên. Đó chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc.
- Nổi bật nhất, độc đáo nhất ở người lái đò sông Đà là phong thái của một nghệ sĩ tài hoa. Khái niệm tài hoa, nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Tuân có nghĩa rộng, không cứ là những người làm thơ, viết văn mà cả những người làm nghề chẳng mấy liên quan tới nghệ thuật cũng được coi là nghệ sĩ, nếu việc làm của họ đạt đến trình độ tinh vi và siêu phàm. Trong “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò nghệ sĩ mà nhà văn trân trọng gọi là tay lái ra hoa. Nghệ thuật ở đây là nắm chắc các quy luật tất yếu của sông Đà và vì làm chủ được nó nên có tự do.
=>  Qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, chúng ta càng phải khẳng định Nguyễn Tuân đích thực là một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy trong việc ngợi ca những con người lao động trong gian lao nguy hiểm nhưng đầy vinh quang, điển hình là hình tượng ông lái đò. Người dân lao động hiện lên với vẻ tài hoa và như một nghệ sĩ thực thụ với nghề của mình.  
3. Quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân
- Nếu như trư­ớc cách mạng, ngòi bút Nguyễn Tuân thư­ờng h­ướng tới những con ngư­ời đặc tuyển, những tính cách phi th­ường như Huấn Cao. Sau cách mạng, ông đi tìm cái đẹp trong người lao động bình thường như ông lái đò sông Đà
- Ông tiếp cận con người ở nét tài hoa, nghệ sĩ. Nét tài hoa của con người không chỉ có trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, mà bất cứ ngành nghề nào khi con người đạt đến trình độ khéo léo, điêu luyện thì họ sẽ bộc lộ nét tài hoa, nghệ sĩ đáng trân trọng. Trong đoạn trích này, Nguyễn Tuân chú ý tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò.
- Tr­ước cách mạng, nhà văn khám phá vẻ đẹp thiên l­ương, thú chơi cao sang, đài các lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí “vang bóng một thời”. Sau cách mạng, ông đi sâu phản ánh vẻ đẹp thể chất và tâm hồn của con người, mà ông gọi “chất vàng m­ười đã qua thử lửa” của những người lao động bình dị. Quan niệm mới về người anh hùng, hình ảnh ông lái hiện lên với tư cách người anh hùng trong lao động - nghệ sĩ làm chủ thiên nhiên.
III. KB
Người lái đò trí dũng và tài hoa đã nổi bật trên dòng sông hung bạo và trữ tình, có khả năng chinh phục thiên nhiên, bắt nó phải phục vụ con người, xây dựng đất nước -  Đó chính là chất vàng mười của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong thời kì mới - thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày.

Bạn muốn hỏi điều gì?

question icon ĐẶT CÂU HỎI

500.000+

Lượt tải

10.000+

Câu hỏi được giải mỗi ngày

5.000+

Gia sư giải đáp

Ghé thăm ứng dụng của chúng tôi

CoLearn - Nền tảng học tập kết nối

intro-cut